Mạng thông tin số tích hợp dịch vụ ISDN là gì?
TRẢ LỜI: Mạng số tích hợp dịch vụ ISDN (Integrated Services Digital Network) được định nghĩa như mạng thông tin có thể đấu nối theo công nghệ số (digital) từ thuê bao chủ gọi và xử lý tất cả các loại dịch vụ thoại và phi thoại.
Nói một cách khác, mạng ISDN cho phép tất cả các thông tin thoại (phone), số liệu (data) và hình ảnh (video) có thể truyền qua một đường dây thuê bao (subscriber line) với tốc độ cao và chất lượng tốt. Hình 1 minh hoạ sự tích hợp dịch vụ trên.
Hình 1
Cấu hình kết nối mạng ISDN
Năm 1980, ITU-T giới thiệu cấu hình thuê bao của mạng ISDN. Khuyến
nghị của ITU-T bảo đảm một mạng ISDN sẽ được vận hành với quy mô toàn
cầu qua việc sử dụng các giao diện và giao thức chuẩn hoá dựa trên lớp,
quy định cho mạng kết nối hệ thống truyền thông mở OSI 7 lớp. Về cơ bản
cấu trúc như hình 2.
Hình 2
Trong sơ đồ hình 2, khối chức năng TE biểu thị thiết bị đầu cuối
(terminal equipment) của thuê bao. TE có thể là mạng điện thoại, thiết
bị multimedia, máy fax, máy vi tính PC v.v... Những tín hiệu này nối từ
thuê bao đến nhà khai thác thông qua một đôi dây đồng kép.Để kết nối giữa mạng tương tự hiện có với tổng đài ISDN, người ta lắp một khối kết cuối mạng NT (Network Termination) tại đầu dây thuê bao và một khối kết cuối đường dây LT (Line Termination). Khối NT được phân thành khối nhỏ hơn NT1 và NT2. NT1 tương ứng với lớp 1 của Hệ thống liên kết truyền thông mở OSI. Nó bao hàm các phương tiện kết nối vật lý (điện hoặc từ). NT2 là chức năng phân cấp 2 và 3 trong OSI. Các chức năng của NT2 là kết nối với các tổng đài cơ quan PBX và mạng cục bộ LAN. Tuỳ theo các loại hình thuê bao đôi khi không cần đến khối NT2.
Trong kết cấu thuê bao ISDN, các loại thuê bao kể trên là thuê bao TE1 và được kết nối với giao diện S. ITU-T còn phân ra TE2 loại thiết bị đầu cuối có ký hiệu loại X nằm ngoài các loại trên. TE2 được nối với mạng ISDN thông qua thiết bị thích ứng đầu cuối TA (Terminal Adaptor) trên hình 2, thiết bị TE2 qua điểm R và khối thích ứng TA nối tới giao diện S hoặc T.
Khối kết cuối đường dây LT được lắp đặt ngay trong giá máy của tổng đài ISDN. Hoạt động của LT cùng với NT do các nhà sản xuất khác nhau tạo ra. Để thực hiện kết nối giữa các khối NT và LT yêu cầu chúng phải có phần mềm thích hợp.
Việc tiêu chuẩn hoá các thiết bị thuê bao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạng truyền thông. Các thiết bị thuê bao có giao diện tiêu chuẩn ISDN có thể nối tới tổng đài ISDN tại bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu.
Các giao diện ISDN Kết nối cơ bản giữa thiết bị đầu cuối TE với tổng đài ISDN có hai giao diện quan trọng: giao diện S và giao diện U. Trường hợp chức năng NT chia làm NT1 và NT2 thì giao diện S còn gọi là giao diện T.
- Giao diện S: Giao diện này được dùng để cấp nguồn đồng thời tới khối TE. Giao diện S là giao diện 4 dây cho hoạt động song công của các kênh 64kbit/s.
- Giao diện U: - giao diện này kết nối giữa khối kết cuối đường dây LT với khối kết cuối mạng NT qua các cặp dây đồng kép (truyền dẫn 4 dây). Mã đường dây truyền trên các cặp dây này là mã có tính kháng nhiễu cao, nâng được tỷ số tín hiệu/tạp âm cho phép chúng ta tăng cự ly truyền dẫn.
Truy nhập của ISDN Mạng ISDN cung cấp cho thuê bao các loại dịch vụ khác nhau bằng sử dụng kết nối cơ bản hoặc kết nối ghép kênh sơ cấp.
- Truy nhập tốc độ cơ bản: Một kết nối cơ bản, còn gọi là truy nhập tốc độ cơ bản BRA (Basic Rate Access), cung cấp 2 kênh B. Mỗi kênh có thể truyền số liệu ở tốc độ 64kbit/s. Hai kênh này có thể sử dụng hoàn toàn độc lập với nhau. Để hệ thống kết nối thuê bao hoạt động với mạng không bị lỗi, truy nhập tốc độ cơ bản BRA còn có kênh báo hiệu D với tốc độ 16kbit/s. Như vậy truy nhập tốc độ cơ bản BRA được sử dụng. 2B + D = 2 x 64 + 16 = 144kbit/s
- Truy nhập tốc độ sơ cấp: Trường hợp các thuê bao cần truyền với tốc độ cao, các kênh cơ bản trên có thể được ghép lại bằng phương pháp ghép kênh theo thời gian TDM. Phương thức này gọi là truy nhập tốc độ sơ cấp PRA (Primary Rate Access).
Theo tiêu chuẩn châu Âu, PRA có thể gồm 30 kênh B độc lập với nhau trên đường dây (line). Việc giám sát giữa các thiết bị đầu cuối TL và tổng đài thực hiện qua kênh báo hiệu riêng, kênh D. Do yêu cầu báo hiệu có dung lượng cao hơn nên kênh báo hiệu D có tốc độ 64kbit/s.
Như vậy một PRA có thể gồm 30B+D. Đối với tiêu chuẩn Bắc Mỹ, một PRA gồm 23BD. Do đó tốc độ truyền dẫn của giao diện là 2048kbit/s (đối với tiêu chuẩn châu Âu) hoặc 1544kbit/s (với tiêu chuẩn Bắc Mỹ) thông qua việc cộng thêm một số bit khung.
Truy nhập PRA được sử dụng như phương tiện truy nhập cho thiết bị kết cuối TA 2Mbit/s. Hình 3 là một thí dụ kết nối trạm gốc BTS của mạng thông tin di động GSM với tổng đài ISDN.
Hình 3
Trong hình 3, những đôi dây đồng nối giữa khối NT và khối LE, hình
thành giao diện U, có thể truyền đi xấp xỉ 2Mbit/s theo hai hướng.Để kết luận, mạng ISDN đã mang lại lợi ích cho các thuê bao là tất cả các dịch vụ đều được truy nhập chỉ qua một số máy điện thoại. Chỉ một đôi dây điện thoại là đủ truyền dẫn thoại, fax, truyền số liệu v.v... Một giao thức đặc biệt bảo đảm để mọi cuộc gọi từ ngoài vào đều được chuyển giao cho từng loại thiết bị bằng cách sử dụng dịch vụ “số đa thuê bao”.
Tuy nhiên, các dịch vụ video (như hội nghị truyền hình), truyền số liệu với tốc độ cao cần có băng tần rộng hơn. Để thoả mãn các dịch vụ này, chúng ta cần phát triển mạng B-ISDN băng rộng với các phương tiện truyền dẫn cáp đồng trục và cáp quang.
Nguồn http://www.tapchibcvt.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=15570
Mạng này tốc độ thấp, hiện đã cũ, giờ toàn dùng adsl (internet băng thông rộng) với sắp tới xu hướng là FTTH (cáp quang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét